Nghiên cứu xử lý kháng khuẩn cho vải cotton từ các chiết xuất thực vật tự nhiên
22/08/2016
122 Lượt xem
Hiện nay, trên thế giới, nhất là Ấn Độ đang tập trung nghiên cứu xử lý kháng khuẩn cho hàng dệt may từ các chiết xuất thực vật tự nhiên. Các loại cây được lựa chọn để tách chiết rất đa dạng, có nhiều đặc tính chữa bệnh và khả năng kháng khuẩn như nghệ, lô hội, hương nhu tía, neem, vỏ quả lựu… Vải cotton là một trong những đối tượng được quan tâm nghiên cứu xử lý kháng khuẩn nhiều nhất.
Nước ta có nguồn tài nguyên thực vật phong phú như lá trà, lá neem (được trồng ở vùng Ninh Thuận), cây lô hội… đều có tính kháng khuẩn tự nhiên và rất có ích nếu được nghiên cứu trong ngành dệt may để cải thiện tính kháng khuẩn và cho ra đời những sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng và thân thiện với môi trường. Nhu cầu sử dụng vải kháng khuẩn đang gia tăng, đặc biệt trong ngành y, trong khi đó phần lớn sản phẩm này đều phải nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình sử dụng vải nội địa là vấn đề cấp bách, cần sớm được thực hiện để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm dệt may. Vì vậy, Phân viện Dệt may đã thực hiện nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ xử lý kháng khuẩn cho vải cotton bằng hoạt chất được tách chiết từ thực vật thiên nhiên (lá neem) để tạo ra sản phẩm vải cotton có khả năng kháng khuẩn, thân thiện với môi trường.
Sau một năm nghiên cứu, đề tài đã đạt được các kết quả như sau:
- Bước đầu cung cấp thông tin về nguồn gốc, đặc điểm, thành phần hóa học có tính kháng khuẩn của một số loài thực vật và công dụng của chúng
- Đưa ra quy trình tách chiết cao kháng khuẩn từ lá neem, lá trà: Kết quả định tính trên các cao thô metanol, cao clorofom và cao etyl axetat cho thấy có sự hiện diện của hoạt chất chống vi trùng: flavonoids, tannins…
- Xây dựng quy trình công nghệ xử lý kháng khuẩn cho vải cotton bằng cao kháng khuẩn được chiết xuất từ lá neem.
Nghiên cứu thành công công nghệ chiết xuất chất kháng khuẩn từ lá neem, công nghệ xử lý hoàn tất kháng khuẩn cho vải cotton đạt trên 65% tỷ lệ giảm khuẩn (Gram âm - Klebsiella, Gram dương - Staphylococcus aureus) sau 5 chu kỳ giặt.
Sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, tạo ra mặt hàng vải kháng khuẩn tự nhiên, thân thiện với môi trường, là tiền đề cho việc khai thác tiềm năng của thị trường vải kháng khuẩn phục vụ ngành y tế, vệ sinh ở Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 11409/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.