PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng lần thứ tư vào danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới
22/11/2017
98 Lượt xem
Trong danh sách các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới (Highly Cited Researchers) năm 2017 do Clarivate Analytics, công ty hàng đầu thế giới về dữ liệu khoa học, công bố ngày 15/11/2017, tiếp tục có bốn nhà khoa học người Việt: GS. TS Nguyễn Sơn Bình (ĐH Northwestern, Mỹ), GS.TS Nguyễn Thục Quyên (ĐH California ở Santa Barbara, Mỹ), GS.TS Võ Văn Ánh (ĐH Công nghệ Queensland, Australia) và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học Công nghệ TPHCM).
PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng (giữa) và các đồng nghiệp quốc tế trong một hội thảo tại Việt Nam. Ảnh: NVCC
Sự tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc
Căn cứ vào các chỉ số khoa học cốt lõi (Essential Science Indicators ESI), một phương pháp tính toán dựa trên việc phân tích và lựa chọn từ dữ liệu của Web of Science trong vòng 10 năm (2005-2015), Clarivate Analytics đã lựa chọn ra được hơn 3.300 nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất trong 21 lĩnh vực của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây là những nhà nghiên cứu xuất sắc công bố những bài báo thuộc tốp 1% bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực của họ trong 10 năm. Việc được trích dẫn nhiều nhất cho thấy các công trình của họ được đồng nghiệp đánh giá cao về ý nghĩa và tầm ảnh hưởng.
Để đảm bảo tính công bằng trong việc thống kê trích dẫn, mỗi lĩnh vực nghiên cứu chỉ có một tạp chí đại diện, với trường hợp các tạp chí đa ngành như Science, Nature… thì tính theo một phương pháp phân tích riêng.
Về quốc gia có nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất, Mỹ dẫn đầu với 1.661 người, tăng 13% so với năm ngoái; Trung Quốc là quốc gia có số lượng tăng nhanh nhất khi đứng thứ ba với 237 người, tăng 34%; Anh thứ hai với 350 người. Không chỉ có mức tăng trên 20%, Phần Lan và Singapore gây ấn tượng bởi phần lớn các nhà nghiên cứu của họ đều ở độ tuổi dưới 30.
Về số các viện nghiên cứu và trường đại học có nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất, đứng đầu là Đại học Harvard (Mỹ) với 109 người, tiếp theo là Đại học Stanford (Mỹ) 64 người, Hiệp hội Max Planck (Đức) 47 người. Đáng chú ý, Viện Hàn lâm KH&CN Trung Quốc đứng thứ 4 với 45 người.
"Sự nổi lên của Trung Quốc trong số lượng xuất bản quốc tế và tỷ trọng các tạp chí quốc tế có ảnh hưởng của quốc gia này được đưa vào Web of Science đã tăng lên mạnh mẽ trong 20 năm trở lại đây", David Pendlebury, nhà phân tích trích dẫn cao cấp của Clarivate Analytics ghi nhận. "Chúng ta đang chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều tác giả và công trình được trích dẫn nhiều nhất đến từ Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực vật lý. Số lượng công bố của Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học vật liệu bây giờ đã gấp hơn hai lần Mỹ và tỷ lệ bài báo trong lĩnh vực này của họ được trích dẫn nhiều nhất thế giới ngày càng tăng mạnh mẽ. Trong một số lĩnh vực khác, Trung Quốc không chỉ bắt kịp mà còn vươn lên vị trí dẫn đầu".
Bí quyết để bài báo được nhiều trích dẫn
Trong "sự cạnh tranh" đó, bốn nhà khoa học người Việt GS. TS Nguyễn Sơn Bình, GS.TS Nguyễn Thục Quyên - hóa học, GS.TS Võ Văn Ánh – toán học và PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng - cơ học tính toán tiếp tục giữ vững vị trí của mình ở danh sách các năm trước.
Đáng chú ý, trong bốn nhà khoa học này thì duy nhất PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng làm việc tại Việt Nam. Hiện anh có 120 công bố ISI, hơn 4.400 trích dẫn và chỉ số H là 41. Là nhà khoa học có nhiều uy tín, PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng thường xuyên nhận được tài trợ từ các quỹ đầu tư quốc tế cho các công trình nghiên cứu của mình. Một trong những công trình mà anh đang thực hiện là phòng chống sạt lở cho khu vực ĐBSCL, bắt đầu khởi động từ năm 2016 với tổng kinh phí 300.000 EURO do Quỹ VLIR-UOS (Bỉ) tài trợ. Cùng với các nhà nghiên cứu Đại học Ghent (Bỉ) và doanh nghiệp Việt Nam, anh sẽ phát triển một mô hình mẫu và xây dựng thử nghiệm tại một địa phương, sau đó rút kinh nghiệm để áp dụng trên toàn bộ khu vực.
Lý giải vì sao PGS. TS Nguyễn Xuân Hùng có công trình được nhiều đồng nghiệp trong nước và quốc tế trích dẫn, PGS. TS Lê Văn Cảnh (bộ môn Kỹ thuật Xây dựng, Đại học Quốc tế, ĐHQGTPHCM) cho biết: thứ nhất, phần lớn các công bố đều được xuất bản trên các tạp chí uy tín thuộc tốp Q1 và Q2 của lĩnh vực cơ học tính toán; thứ hai, các công bố đó đề xuất những mô hình mô phỏng được xây dựng trên cơ sở kết hợp các công cụ rất mạnh của khoa học máy tính và cơ học tính toán nên có phạm vi ứng dụng rất rộng trong các ngành kỹ thuật truyền thống như xây dựng, cơ khí, thủy lợi… cũng như những ngành khác như khoa học vật liệu, y sinh…
Có thể thấy điều tương tự ở ba nhà khoa học người Việt còn lại, đặc biệt với GS. TS Nguyễn Sơn Bình và GS.TS Nguyễn Thục Quyên, những người có xu hướng hợp tác liên ngành và nhiều công bố trong lĩnh vực khoa học vật liệu. Hiện GS. TS Nguyễn Sơn Bình quan tâm đến các vật liệu xốp (Porous Materials), Graphene/Graphene Oxide và các vật liệu sinh học (Biomaterials), GS.TS Nguyễn Thục Quyên nghiên cứu các thiết bị điện tử hữu cơ (organic electronics), polyme liên hợp có chứa ion (conjugated polyelectrolytes) và vật liệu sinh học (biomaterials). Trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực Toán học tính toán và ứng dụng, GS. TS Võ Văn Ánh tập trung vào phân tích các trường ngẫu nhiên và ước lượng thống kê của các phương trình vi phân ngẫu nhiên dạng phân thức và các phương trình vi phân riêng dưới các điều kiện ngẫu nhiên ban đầu; các phương pháp số cho xấp xỉ và mô phỏng của các phương trình khuếch tán dị thường.
TS. Phan Hùng, một thành viên trong nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Thục Quyên, cho biết, những yếu tố quan trọng để các công trình của cô được nhiều đồng nghiệp trích dẫn là “thực hiện những đề tài nghiên cứu cơ bản mang tính thiết yếu giúp hiểu nhiều dạng vật liệu trong lĩnh vực điện tử hữu cơ bởi nó có khả năng lựa chọn các công cụ và phương tiện để hỗ trợ nghiên cứu về vật liệu. Với các nghiên cứu quan trọng, giáo sư Quyên cũng cộng tác với nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới".
Trao đổi với Tia Sáng, GS. TS Võ Văn Ánh chia sẻ về những công bố gần đây mà ông đã thực hiện: “Tôi tập trung vào các công cụ mới được phát triển để sử dụng cho một số hiệu ứng quan trọng mô hình và phân tích, bao gồm sự vận chuyển của nước mặn trong tầng ngậm nước không đồng nhất, sự điều tiết hành vi tế bào ở tim đến sự không đồng nhất trong tổ chức mô, phát hiện các dao động nhỏ và thay đổi trên phạm vi toàn cầu trong trường bức xạ phông vũ trụ. Các công trình của tôi được nhiều công trình khác trích dẫn, những công trình đó còn góp phần mở rộng thêm các kỹ thuật và phương pháp của tôi cũng như đưa những ứng dụng của nó vào giải quyết những vấn đề quan trọng của KH&CN”.