Smart Port: Công nghệ hỗ trợ vận hành cảng hàng hóa
11/10/2021
95 Lượt xem
Sản phẩm mới của Phenikaa MaaS được kỳ vọng sẽ giúp nâng cấp khả năng quản trị của đơn vị vận hành cảng hàng hóa đối với các phương tiện và hoạt động bên trong khu vực cảng theo hướng thông minh, tiết kiệm thời gian và chi phí, cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành giao thông vận tải.
Công nghệ Smart Port giúp theo dõi biển số xe tại cổngCảng Tiên Sa Đà Nẵng. Ảnh: Phenikaa MaaS
Thông thường, để ra vào cảng, xe container sẽ phải dừng trước cổng và làm các công việc kiểm tra thủ công, điều này gây ra tình trạng ùn ứ xe tại các khu vực bên trong và bên ngoài cảng vào thời gian cao điểm. Với mong muốn góp phần giải quyết tình trạng này, CTCP Công nghệ Phenikaa MaaS (Phenikaa MaaS) mới đây đã ra mắt gói giải pháp công nghệ Smart Port sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp tối ưu hóa hoạt động quản lý tại các khu vực cảng hàng hóa.
Cụ thể, giải pháp Smart Port cung cấp các tính năng nhận diện số hiệu container, nhận diện biển kiểm soát phương tiện và nhận diện hành vi, khuôn mặt của lái xe (bHub) trong các thiết bị AI Box do Phenikaa MaaS sản xuất, giúp biến các camera thường thành camera AI có tính năng nhận diện như trên.
Các tính năng này sau đó tiếp tục giúp đếm và nhận dạng tự động số lượt xe container và lái xe ra vào cảng hằng ngày tại cổng, từ đó thống kê chi tiết biển số xe và số hiệu container, định danh lái xe, ghi nhận ngày giờ xe ra vào cảng và tự động chụp ảnh cho từng lượt xe ra vào. Đặc biệt, công nghệ AI vẫn hoạt động hiệu quả ngay cả khi biển số xe và số hiệu container bị bẩn, han gỉ hay bạc màu, khó đọc hơn biển số xe thông thường.
“Thông tin nhận dạng theo thời gian thực sẽ được xử lý và đồng bộ với hệ thống quản lý của cảng theo thời gian thực trong khoảng thời gian mili giây, từ đó giúp hệ thống của cảng có thể tính toán tự động vị trí của container và thông báo vị trí bốc xếp của container cho tài xế tại cổng ra vào của cảng”, CEO Phenikaa MaaS Lê Yên Thanh chia sẻ. Hệ thống nhận diện tự động cũng tích hợp sẵn để đẩy thông tin vào cổng thông tin ERP chung của đơn vị.
Mặc dù các tính năng nhận diện không còn quá xa lạ trên thị trường thế giới, nhưng việc ứng dụng mới chỉ ở mức độ riêng lẻ và chưa được đồng bộ hóa. Ngoài ra, các tính năng này phải được chạy trên máy chủ với cấu hình mạnh hoặc đưa về các dịch vụ Cloud AI để xử lý, do đó, khó có khả năng tương thích với các loại camera khác nhau và gây mất an toàn thông tin. Giải pháp Smart Port của Phenikaa MaaS tích hợp hai tính năng này vào một giải pháp và có thể tương thích với tất cả các loại IP camera hiện có trên thị trường, có thể tích hợp với nhiều camera trên một thiết bị bHub nhỏ gọn và tiêu thụ ít điện năng, qua đó giúp các doanh nghiệp cảng hàng hóa triển khai giải pháp tiết kiệm và nhanh chóng hơn. Đáng chú ý, việc triển khai giải pháp Smart Port cho phép hệ thống của từng cảng hoạt động độc lập và không sợ bị ảnh hưởng nếu có sự cố xảy ra.
Lê Yên Thanh cho biết, hiện tại,Phenikaa MaaS đã triển khai thử nghiệm giải pháp Smart Port tại một trong số các cổng ra vào tại Cảng Tiên Sa Đà Nẵng và thu được nhiều kết quả, đánh giá tích cực khi tự động hóa quy trình và rút ngắn thời gian kiểm tra container tại cổng ra vào. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này tại toàn bộ các cổng còn lại của Cảng Tiên Sa Đà Nẵng.
Thời gian tới, Phenikaa MaaS sẽ tiếp tục phát triển thêm các tính năng nâng cao cho giải pháp này để triển khai mở rộng cho các cảng tại Việt Nam, bao gồm các tính năng như thuật toán tự động nhận dạng thùng container bị hỏng, móp trong quá trình vận chuyển; thuật toán nhận diện và chụp tự động từng mặt của container; thuật toán nhận diện số hiệu container cho các thùng container bị bẩn, khó đọc bằng mắt thường; và thuật toán tự động nhận diện biển số xe từ xa và điều khiển mở đóng barrier tự động.
Công nghệ AI on the Edge của thiết bị nhận diện khuôn mặt lái xe (bHub) được ứng dụng trong giải pháp Smart Port mới đây đã giành giải Ba trong cuộc thi “Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2021” do Công ty Qualcomm Technologies (Tập đoàn Công nghệ Qualcomm của Mỹ) và Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.