Tăng cường công tác khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa
11/03/2024
82 Lượt xem
Tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trong lĩnh vực đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hoá nhất là vào các dịp lễ, Tết. Việc đấu tranh ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, hạn chế hiện tượng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng, gây thiệt hại cho xã hội là nhiệm vụ cấp thiết góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Thời gian qua, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) - Tổng cục TCĐLCL đã tăng cường công tác khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành khác như hàng đóng gói sẵn, khăn giấy ướt, đồ dùng học tập... nhằm phát hiện, ngăn chặn hàng kém chất lượng, nghi ngờ không đạt chất lượng hoặc có nội dung ghi nhãn không phù hợp.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra chất lượng xăng dầu
Năm 2023, Trung tâm đã tiến hành 85 đợt khảo sát, đánh giá 560 cơ sở; 1700 mẫu xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em, điện, điện tử, vàng trang sức mỹ nghệ, dầu nhờn động cơ đốt trong, LPG, dây điện, đèn LED, thép cốt bê tông, sắt thép, đồ dùng học sinh, săt thép, thiết bị học tập, 86 phương tiện đo còn hạn kiểm định. Tổng số mẫu mua TN: 145 mẫu (xăng, dầu DO, ĐCTE, dầu nhờn động cơ, đồ chơi trẻ em, điện, điện tử…).
Kết quả, 1.650 mẫu đạt chất lượng, 50/1.700 không đạt về nhãn và chất lượng. Những mẫu có nội dung không phù hợp về ghi nhãn, không chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy trên sản phẩm chủ yếu được bán ở những cửa hàng nhỏ lẻ, kèm mặt hàng khác tại cơ sở không đăng ký kinh doanh.
Trung tâm cũng tiến hành đánh giá 700 hồ sơ xăng, tổng khối lượng 4.183.930,000 tấn; 388 hồ sơ LPG, tổng khối lượng 890.991,314 tấn; khối lượng 14.476.555,172 lít. Việc đánh giá kết quả khảo sát chất lượng xăng dầu LPG nhập khẩu đối với dầu nhờn động cơ được thực hiện tại các cơ sở đầu mối nhập khẩu xăng, LPG, dầu nhờn động cơ đốt trong có kết quả đánh giá phù hợp đạt QCVN.
Quá trình đánh giá, khảo sát phát hiện 04 mẫu xăng dầu nghi ngờ không đạt chất lượng; 15 mẫu mũ bảo hiểm có nội dung ghi nhãn không phù hợp quy định, 04 mẫu mũ bảo hiểm không đạt chất lượng; 52 mẫu đồ chơi trẻ em có nội dung ghi nhãn không phù hợp quy định, 15 mẫu đồ chơi trẻ em nghi ngờ không đạt chất lượng; 25 mẫu điện, điện tử có nội dung ghi nhãn không phù hợp quy định, 02 mẫu điện, điện tử nghi ngờ không đạt chất lượng; 52 mẫu vàng trang sức mỹ nghệ có nội dung ghi nhãn không phù hợp quy định.
Với những mẫu sản phẩm, hàng hoá nghi ngờ không đạt chất lượng, nội dung ghi nhãn không phù hợp quy định, Trung tâm đã kịp thời thông báo cho cơ quan Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá để tiến hành kiểm tra nhà nước về đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cảnh báo cho người tiêu dùng và cơ quan hữu quan tại địa phương là một trong những hoạt động đánh giá chứng nhận, nhằm hỗ trợ tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành khoa học và công nghệ đối với sản phẩm, hàng hóa. Thông qua công tác khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp đã thông tin tới cơ quan quản lý nhà nước các tỉnh, thành phố nơi có cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh để cảnh báo sản phẩm, hàng hoá có dấu hiệu nghi ngờ không đạt chất lượng hoặc nội dung ghi nhãn không phù hợp; đồng thời kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm về chất lượng hàng hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, do nước ta có đường biên giới đất liền tiếp giáp với nhiều quốc gia nên tình trạng buôn lậu diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Một số cơ sở chạy theo lợi nhuận, lợi dụng chính sách hậu kiểm để nhập khẩu hàng kém chất lượng (dầu nhờn động cơ, mũ bảo hiểm,…) vào trong nước kinh doanh, đặc biệt là tình trạng pha chế, buôn bán xăng dầu lậu, kém chất lượng.
Do vậy, năm 2024, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp sẽ tiếp tục tăng cường công tác khảo sát tại các cơ sở kinh doanh sắt thép, thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm, xăng dầu... trên địa bàn các tỉnh, thành phố có tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không có nguồn gốc xuất xứ diễn biến phức tạp. Đây là nhóm sản phẩm thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên sẽ được chú trọng quản lý. Kết quả khảo sát sẽ căn cứ để đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, góp phần đảm bảo an toàn cho người dùng.