Trí tuệ nhân tạo là một nhân sự đặc biệt - muốn giỏi việc gì phải dạy việc đó
07/05/2025
3 Lượt xem
Tại Việt Nam, vẫn còn không ít doanh nghiệp vướng mắc vì tư duy "mua trí tuệ nhân tạo (AI) như mua phần mềm". Thực tế, AI không đơn thuần là công cụ, mà giống như một nhân sự đặc biệt càng đầu tư đào tạo, càng mang lại giá trị.
Tư duy "mua rồi dùng ngay" đang kìm hãm giá trị của AI
“Doanh nghiệp nào có phần mềm AI hay thì giới thiệu để tôi mua về dùng”. Đây là một câu nói quen thuộc mà ông Đinh Hà Duy Linh – Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT nghe rất nhiều từ các chủ doanh nghiệp Việt Nam trong suốt thời gian triển khai AI nội bộ. Nhưng ông khẳng định: “AI không thể dùng theo kiểu mua về cài là chạy. Bản chất AI giống như một đứa trẻ thông minh muốn giỏi việc gì thì phải dạy việc đó”.
Hãy coi AI là một nhân sự đặc biệt để đào tạo phù hợp với doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Không giống như phần mềm đóng gói vốn có quy trình vận hành định sẵn, AI cần được huấn luyện để hiểu dữ liệu, ngữ cảnh và đặc thù riêng của từng doanh nghiệp. Việc kỳ vọng AI “tự hiểu” mọi vấn đề của doanh nghiệp giống như giao cho một nhân sự mới hoàn toàn một bộ hồ sơ rồi yêu cầu họ giải quyết ngay mà không có đào tạo, hướng dẫn hay tiêu chuẩn công việc rõ ràng.
Tại HPT – một công ty công nghệ vốn có nền tảng kỹ thuật tốt quá trình thử nghiệm AI vẫn phát sinh hàng loạt thách thức. Đơn cử, khi phát triển một trợ lý AI để lãnh đạo có thể tra cứu mọi thông tin nội bộ (tình hình kinh doanh, tài chính, nhân sự…) chỉ bằng câu hỏi tự nhiên, công ty nhận ra rào cản lớn nhất không phải công nghệ, mà là khả năng ngôn ngữ và tính hệ thống của dữ liệu. “Lãnh đạo hỏi kiểu nào thì AI cũng phải hiểu, nghĩa là phải làm sao để AI ‘học ngôn ngữ của sếp’, chứ không thể bắt sếp học ngôn ngữ máy”, ông Linh chia sẻ.
Một điểm then chốt mà các doanh nghiệp thường bỏ qua khi triển khai AI là vấn đề dữ liệu. AI không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu dữ liệu chuẩn hóa, nhất quán và phản ánh đúng thực trạng vận hành. Điều này đặc biệt quan trọng khi doanh nghiệp kỳ vọng AI hỗ trợ các hoạt động phức tạp như phân tích tài chính, tối ưu chuỗi cung ứng, chăm sóc khách hàng hay dự đoán thị trường.
Theo ông Lê Nguyễn Hồng Phương - Chủ tịch TCC Club, người sáng lập BIT Group, doanh nghiệp cần xác định rõ vấn đề muốn AI giải quyết, từ đó chuẩn bị dữ liệu phù hợp. Việc đầu tư dàn trải, chạy theo phong trào có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực mà không tạo ra giá trị thực.
“Muốn dạy AI quản trị nhân sự, thì phải có dữ liệu nhân sự đủ tốt. Muốn AI hiểu khách hàng, thì phải có dữ liệu giao dịch, hành vi, phản hồi khách hàng… Doanh nghiệp nào càng chăm lo cho dữ liệu nội tại, AI càng có đất diễn”, ông Phương khẳng định.
Đào tạo AI như một nhân sự – bước ngoặt trong tư duy lãnh đạo thời đại số
Các chuyên gia nhận định, một khi được “đào tạo đúng cách”, AI có thể trở thành một nhân sự đặc biệt với năng lực vượt trội: phân tích hàng triệu dòng dữ liệu trong vài giây, gợi ý phương án tối ưu, dự báo rủi ro, và tự động thực hiện các tác vụ lặp lại. Thậm chí, AI còn có khả năng phối hợp với các AI khác để vận hành như một “đội ngũ nhân sự ảo” điều mà các công nghệ truyền thống không làm được.
“Trong tương lai gần, một công ty có thể chỉ cần một CEO hoặc Chủ tịch, còn toàn bộ nhân sự bên dưới sẽ là các AI agents”, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, dự báo. Theo ông, đây không chỉ là một cuộc cách mạng công nghệ, mà là sự thay đổi cấu trúc doanh nghiệp, bắt đầu từ cách lãnh đạo tư duy về nguồn lực.
Thực tế, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đã chuyển từ tâm thế “tìm phần mềm AI” sang “đào tạo AI” để phù hợp với bài toán của mình. Bà Minh Thư - người sáng lập chuỗi trường mầm non Ngôi Sao Xanh cho biết, doanh nghiệp của bà đang sử dụng AI để tư vấn tự động cho phụ huynh, giúp tiết kiệm nhân sự mà vẫn đảm bảo chất lượng chăm sóc.
Ở lĩnh vực thực phẩm bổ sung, ông Lê Chí Linh - người sáng lập Dili Supplement cho rằng AI đã giúp ông “nhân đôi, nhân ba hiệu suất công việc” nhờ tự động hóa marketing, bán hàng và theo dõi KPI nhân sự. Điều quan trọng, theo ông Linh, là xác định rõ mục tiêu và xây dựng luồng dữ liệu chuẩn để AI có thể hiểu được điều doanh nghiệp cần.
Trong kỷ nguyên AI, đào tạo không còn chỉ dành cho con người, mà còn dành cho chính hệ thống thông minh mà doanh nghiệp sử dụng. Các doanh chủ cần học cách “truyền nghề” cho AI từ kinh nghiệm, quy trình đến hệ thống ngữ nghĩa riêng biệt để AI trở thành cộng sự thực sự, chứ không phải chỉ là “một phần mềm đẹp”.
Sự thay đổi lớn nhất, do đó, không nằm ở công nghệ, mà nằm ở tư duy người lãnh đạo: dám coi AI như một “nhân sự” có thể phát triển năng lực, dám đầu tư vào dữ liệu như đầu tư vào nguồn vốn cốt lõi, và dám chuyển từ cảm tính sang hành động dựa trên dữ liệu. Đó là bước đầu tiên và quan trọng nhất để AI thực sự tạo ra giá trị.